Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu nông sản trong 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực. Kết quả này cũng tạo đà để ngành nông nghiệp tự tin sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu đề ra trong năm 2023 là 54 – 55 tỷ USD.

hb12320230703162936

Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: NNK

Xuất khẩu rau quả và gạo tăng đột biến

Báo cáo tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 3/7, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp cũng đạt được kết quả tích cực, trong đó xuất khẩu nông sản tăng nhanh. Đáng chú ý, gạo và rau quả cũng tăng đột biến.

Mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 54 – 55 tỷ USD, trong đó mặt hàng nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Việt, muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 – 8%.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phân tích về đối tượng ngành hàng thì lại nổi lên những điểm sáng.

Thông tin về “điểm sáng” rau quả, ông Phùng Đức Tiến khẳng định, chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay, 6 tháng đầu năm đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%.

“Nếu đà tăng trưởng cứ như thế này thì chắc chắn năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD, đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Đặc biệt, nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được” – ông Tiến nói.

Với mặt hàng gạo, hiện giá gạo của Việt Nam cao xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Việt Nam cũng đang chuẩn bị 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD… “Như vậy, tính chung cả năm sản lượng dự kiến sẽ đạt chắn trên dưới 8 triệu tấn, thu về chắc chắn trên 4 tỷ USD” – ông Tiến nêu.

bg120230703163629

Xuất khẩu nông sản tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TL

Mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại

Nhận định tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn kho của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.

Các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường châu Âu (EU) nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ. Nếu trước đây, thị trường EU yêu cầu kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc để cho doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký và doanh nghiệp này được mua qua các cơ sở sơ chế, hoặc đại lý thì theo luật mới của EU, chỉ trừ khâu sản xuất ban đầu, tất cả các khâu tiếp theo từ sơ chế, chế biến, logistics, kho lạnh tổng hợp đều phải đăng ký.

Được biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 54 – 55 tỷ USD trong năm 2023. Ông Nguyễn Văn Việt phân tích, muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7 – 8%.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, nhìn từ bức tranh thị trường 6 tháng đầu năm, toàn ngành vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch đặt ra năm 2023 dù trong bối cảnh khó khăn.

Cụ thể, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Các nhóm hàng nông sản chính phấn đấu đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD…

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, dù trong 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn nhưng ngành nông vẫn quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; tập trung vào xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu và 3 chương trình lớn gồm: Nghị quyết về “tam nông”, chiến lược phát triển nông thôn bền vững và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Nguồn: TBTCO