Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 638 USD/tấn, còn gạo 25% tấm là 623 USD/tấn. Giá lúa bình quân thì đang ở ngưỡng từ 8- 9.000 đồng/kg.

photo1692924038836 16929240389811007084090

Việc giá lúa gạo liên tục tăng và giữ ở mức cao đã khiến thị trường kinh doanh lúa gạo trong nước sôi động. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất hiện tình trạng thương lái đặt cọc thu mua lúa non, bà con nông dân nhận thấy mức giá đã có lợi nhuận nên không ngại chốt giá. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tình trạng này mà diễn ra phổ biến ngoài việc người nông dân chịu rủi ro khi giá lúa hiện đang biến động khó lường.

Tại Hậu Giang, nhiều ruộng lúa gieo sạ vụ thu đông 2023 mới được một tháng đã có cò lúa đến đặt cọc thu mua lúa từ rất sớm. Tuy nhiên, do lấy tiền cọc sớm nên người dân phải chấp nhận giá bán như cam kết ban đầu.

Nhiều nông dân cho biết, hình thức đặt tiền và chốt giá thu mua lúa giữa bà con nông dân và cò lúa hiện nay chủ yếu là trao đổi miệng hoặc giấy viết tay để ghi nhớ, không có hợp đồng hay văn bản nào xác nhận việc thỏa thuận này, do đó tình trạng lúa lên giá hoặc hạ giá, bẻ kèo, bỏ cọc vẫn diễn ra nên nông dân là người hoàn toàn thua thiệt.

Theo các chuyên gia, tình trạng cò lúa hoặc thương lái tranh giành thu mua lúa non của người dân là do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay không xây dựng được vùng nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào cò lúa, thương lái, môi giới trung gian để mua lúa. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp do đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó nên tranh thủ mua lúa sớm sẵn sàng trả giá cao để có đủ số lượng cung ứng xuất khẩu”.

GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường ĐH Nam Cần Thơ cho hay: “Tôi thấy doanh nghiệp, thương lái đan xen nhau mà mua, thương lái cũng sợ rằng tới đây lại hết gạo nữa nên họ ráng mua cho nhiều, xong họ sẽ lãi. Còn doanh nghiệp đã ký hợp đồng với người ta bên kia rồi mà giờ tăng lên giá như bây giờ thì doanh nghiệp không có lãi”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương khuyến cáo bà con nông dân, chỉ nên nhận đặt và bán lúa với những thương lái hay doanh nghiệp có uy tín, có hợp đồng ký kết rõ ràng, tránh trường hợp giá lúa giảm, các thương lái hoặc cò lúa bẻ kèo không thu mua lúa của người dân.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, mới 20% người dân trồng lúa vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị lúa gạo, theo đại diện Cục trồng trọt nếu hiện tượng thương lái, cò lúa gom mua lúa non diễn ra trên diện rộng, thì ảnh hưởng tới các chuỗi liên kết lúa gạo, vốn đã ít và mỏng tại đây.

Nguồn: VTV.vn